Sử dụng thuốc lá – Gánh nặng với nền kinh tế đất nước

09:19, 20/05/2020

Chúng ta nghe nói tới thuốc lá là nghĩ ngay nó có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên thuốc lá ngoài gây ra ghánh nặng bệnh tật cho con người nó còn gây ra ghánh nặng cho nền kinh tế.

821_1

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Người Việt bỏ ra 31.000 tỷ đồng chỉ để mua thuốc lá

Có người từng nói tôi một ngày hút 1 gói thuốc với giá 10.000 – 20.000 đồng thì ảnh hưởng thế nào đến kinh tế. Và không phải các công ty thuốc lá hàng năm đều nộp thuế cho nhà nước hay sao. Tôi mua thuốc lá thì cũng đã làm nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước

Vậy chúng ta hãy cùng tính một bài toán thế này. Một người hút thuốc lá mỗi ngày bỏ ra trung bình 5.000 – 6.000 đồng mua thuốc lá (chúng ta tính trung bình cho người hút ít và nhiều) thì một năm tính cho tròn thì người này phải bỏ ra khoảng 2.000.000 đồng mua thuốc lá. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, Việt Nam có khoảng 15 triệu người hút thuốc. Vậy tính tổng trung bình người Việt chúng ta phải bỏ ra khoảng 30.000 tỷ đồng chỉ để mua thuốc lá. Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 cho biết 31.000 tỷ đồng là số tiền người Việt chúng ta bỏ ra để mua thuốc lá vào năm 2015. Một người hút thuốc lá có thể thấy tốn khoảng 2 triệu đồng một năm thì không quá lớn lao nhưng nhìn tổng thể như trên thì sẽ thấy người hút thuốc không những đốt thuốc lá, đốt sức khỏe mà còn đang đốt luôn cả tiền nữa.

Những hao tổn do thuốc lá không đo đếm được

31.000 tỷ đồng là số tiền chúng ta bỏ ra mua thuốc lá là số tiền hao phí chúng ta nhìn thấy được, đo đếm được. Nhưng có những hao tổn về thuốc lá mang tính gián tiếp khó đo đếm được là hao phí về sức khỏe. Thuốc lá là một chất độc với hơn 7.000 hóa chất gây hại cho cơ thể con người. Thuốc lá gây ra rất nhiều bệnh tật và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Như vậy ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút thì chúng ta cần phải tính thêm hao tổn đó lá chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm do thuốc lá.

Ở Việt Nam nếu tính về chi phí điều trị cho 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa- hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) do hút thuốc gây ra thì năm 2013 chúng ta chi khoảng 24 nghìn tỉ đồng. 24.000 tỷ đồng là số tiền chúng ta có thể ước tính được dùng cho chi phí điều trị 5 bệnh liên quan đến thuốc lá. Và còn rất nhiều bệnh khác chúng ta chưa tính.

Bên cạnh đó là chi phí hao tổn sức khỏe, vì nếu chúng ta bị bệnh thì sức khỏe đã giảm sút so với lúc chưa mắc bệnh, gây giảm hoặc mất sức lao động, hao tổn do mất ngày công làm việc, hao tổn do tử vong sớm. Đây là những chi phí mà chúng ta khó nhìn thấy được. Và nó cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Thuốc lá - thành phần góp phần gây ra vòng nghèo đói

Việt Nam là 1 trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới. Hàng năm chúng ta đang tự đốt đi một khoản tiền khá lớn chưa kể đến sức khỏe, sức lao động của người dân trong nền kinh tế đó. Nguồn thuế từ các công ty thuốc lá nộp vào năm 2015 là khoảng 15.000 tỷ đồng. Con số này không đủ để bù cho chi phí hao tốn do thuốc lá gây ra. Do đó nếu chúng ta không can thiệp làm giảm tỷ lệ hút thuốc lá thì các hao tốn do thuốc lá càng ngày sẽ càng tăng vì tác hại của thuốc lá được tích lũy theo thời gian.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh không chỉ riêng Việt Nam, thuốc lá là một thành phần gây ra đói nghèo. 80% số người hút thuốc sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Và nếu chúng ta cứ phải trả chi phí hao tổn do thuốc lá quá nhiều thì rõ ràng sẽ khó mà chúng ta có đủ nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Mà kinh tế nghèo, trung bình thì tỷ lệ hút thuốc lại cao. Nó tạo thành một vòng tròn lẩn quẩn của sự nghèo đói.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Những hao tổn trên chưa tính ở người hút thuốc thụ động

Những con số ở trên chỉ đang ước tính trên số lượng người hút thuốc lá chứ chưa tính tới chi phí hao tổn sức khỏe của những người hút thuốc lá thụ động. Vì hiện nay những người không hút thuốc lá vẫn còn hít phải khói thuốc ở ngay chính trong gia đình mình và những nơi công cộng.

Qua phần 2 chúng ta sẽ tiếp tục phân tích ghánh nặng thuốc lá với kinh tế của gia đình.

821_3

Hút thuốc lá thụ động (nguồn internet)

 

 

Nguồn: ThS.BS. Đinh Thị Hải Yến – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM

 
 

Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình TPHCM
TAG:
Ý kiến của bạn

Giới hạn tin theo ngày :