Khoa Cột Sống B - Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình đổi mới hoạt động tự đào tạo và đào tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học

10:07, 22/07/2020

 

Khoa Cột Sống B - Bệnh Viện Chấn Thương Chỉnh Hình đổi mới hoạt động tự đào tạo và đào tạo, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học

 
 

Bên cạnh công tác khám và điều trị cho bệnh nhân, trong thời gian qua, Khoa Cột sống B - Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã áp dụng nhiều mô hình mới về tự đào tạo đội ngũ bác sĩ để nâng cao trình độ chuyên môn, công tác đào tạo, giảng dạy cho học viên và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Những kết quả tích cực bước đầu từ sự đổi mới này đã khẳng định hướng đi đúng đắn và sự quan tâm đúng mực của cấp ủy chi bộ, lãnh đạo khoa dành cho công tác khoa giáo tại đơn vị.

Về công tác tự đào tạo, Khoa Cột sống B đã thành lập một tủ sách điện tử với hơn 200 đầu sách về chuyên ngành cột sống và các trang web, tạp chí chuyên ngành. Để khai thác hiệu quả nguồn tài liệu quý giá này, Câu lạc bộ tạp chí - Journal club đã được hình thành. Các thành viên câu lạc bộ sẽ tham gia trình bày và thảo luận các chuyên đề về chuyên môn liên quan các bệnh lý lâm sàng, đặc biệt các bệnh lý khó và hiếm chủ yếu bằng tiếng Anh. Câu lạc bộ sẽ sinh hoạt định kỳ từ một đến hai chuyên đề trong một tuần. Từ hoạt động của Câu lạc bộ, các bác sĩ của Khoa Cột sống B được thường xuyên cập nhật kiến thức mới trong y khoa, tăng khả năng chủ động và kỹ năng ngoại ngữ của mình, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu hội nhập mới. Cũng từ đó, các bác sĩ của Khoa đã mạnh dạn có những bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế, là báo cáo viên tại các Hội nghị khoa học quốc tế và giành được các học bổng tu nghiệp ngắn và dài hạn tại nước ngoài.

 

Một buổi sinh hoạt Journal club tại Khoa Cột Sống B

 

Về công tác giảng dạy, đào tạo, Khoa Cột sống B đảm nhận nhiệm vụ đào tạo học viên là sinh viên y khoa, bác sĩ chuyên khoa I, II, thạc sĩ và các bác sĩ học việc. Tại mỗi thời điểm, có khoảng 20 đến 25 bác sĩ và 10 đến 15 sinh viên y khoa đến từ hai trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Y Phạm Ngọc Thạch đến khoa thực tập. Với số lượng học viên khá lớn, gây áp lực không nhỏ cho Khoa về thời gian và không gian để huấn luyện. Theo truyền thống trước đây, Khoa để học viên tự do trong lúc thực tập, nên một số học viên chưa thực sự tập trung trong việc học lâm sàng, cuối đợt chỉ cần nộp một bản thu hoạch mà theo đánh giá của Khoa. Những bản thu hoạch này chưa có sự đầu tư đúng mức, chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng chuyên môn. Để khắc phục nhược điểm này, Khoa đã xây dựng mô hình học tập mới thông qua việc cung cấp một lộ trình học tập và làm việc cụ thể khi các học viên, sinh viên đến học tập tại Khoa. Để đánh giá về kiến thức cuối đợt thực tập, mỗi học viên, sinh viên nhận được 100 đề mục liên quan đến các kiến thức cần phải nắm. Các đề mục này được rút trực tiếp từ các học liệu quốc tế có chọn lọc và phù hợp trình độ học viên. Trong thời gian thực tập, các học viên sẽ đọc tất cả các đề mục, đối chiếu với lâm sàng và trao đổi với các bác sĩ hướng dẫn đến khi hiểu được hoàn toàn 100 đề mục đó. Các bác sĩ hướng dẫn chính là các bác sĩ cơ hữu của Khoa. Cuối đợt thực tập, học viên sẽ làm bài thi trắc nghiệm trong thời gian 30 phút với các câu hỏi dựa trên 100 đề mục đã học. Tập thể các y bác sĩ của Khoa biên soạn bộ đề trắc nghiệm theo tiêu chuẩn khung đào tạo. Ngoài ra, để đánh giá sự chuyên cần của học viên, mỗi học viên sẽ được phân theo nhóm làm việc và có bác sĩ của khoa phụ trách. Hàng ngày, các học viên này sẽ theo bác sĩ phụ trách đi kiến tập trong thăm khám và điều trị bệnh nhân tại Khoa. Cuối đợt huấn luyện, học viên sẽ được đánh giá về mức độ chuyên cần. Căn cứ trên điểm thi trắc nghiệm và sự chuyên cần, học viên sẽ có được kết quả thực tập cuối đợt theo quy định của bộ môn. Ưu điểm của mô hình học tập này là giúp khoa có cách thức đánh giá học viên chính xác hơn trước đây và quan trọng hơn là đưa học viên vào khuôn khổ nghề sau này. Học viên phải chủ động nắm trước mục tiêu, phương phức học tập, giúp học viên hoàn thành mục tiêu đào tạo của mình.

 

Về nghiên cứu khoa học và tham dự hội nghị chuyên ngành, Khoa Cột sống B đặt chỉ tiêu cho các nhóm bác sĩ trong nghiên cứu khoa học bằng cách phân thành các ê-kíp để thực hiện các đề tài nghiên cứu trong năm, từ đó sẽ thúc đẩy tính chủ động học hỏi và nghiên cứu của các bác sĩ. Chủ đề của các nghiên cứu khoa học là các kỹ thuật mới đang được triển khai áp dụng tại Khoa và các phương pháp điều trị cũ cần thẩm định lại giá trị trên lâm sàng. Từ đó sẽ loại bỏ dần các kỹ thuật không còn phù hợp và áp dụng mới các kỹ thuật tiên tiến hơn trong chẩn đoán và điều trị. Hiện tại Khoa đang đăng ký 04 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở tại bệnh viện trong năm 2020. Một số báo cáo đã được đăng trên các tạp chí nước ngoài như bài “Dropped head syndrome” đăng trên “ Journal of Clinical Case Report”, bài “Z-plasty” đăng trên “ Journal of Spine Surgery and Reseach” năm 2020…

Nguồn : http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn/chuyen-muc/khoa-cot-song-b-benh-vien-chan-thuong-chinh-hinh-doi-moi-hoat-dong-tu-dao-tao-v-c4718-30537.aspx

 


Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình TPHCM
TAG:
Ý kiến của bạn

Giới hạn tin theo ngày :