BIẾN CHỨNG BÓ BỘT

23:14, 17/10/2016

BỆNH VIỆN CHẤN THƯƠNG CHỈNH HÌNH
Tài liệu lớp Kỹ thuật bột

 

BIẾN CHỨNG BÓ BỘT

BSCKII. LÊ THÀNH PHƯƠNG
Bv. Chấn thương Chỉnh hình Tp. HCM

I.  ĐẠI CƯƠNG

Bó bột là một phương pháp để cố định xương làm cho xương gãy mau lành, nhưng nếu không sử dụng đúng cách sẽ làm cho xương gãy không lành hoặc lành xấu. Do đó, khi điều trị bằng bột cần phải thận trọng, muốn giữ chắc cho chi ở tư thế bất động thì bột phải cứng, chắc và bất động qua 2 khớp của xương gãy. Điều này có thể gây ra nguy hiểm do đè ép. Muốn giữ cho xương lành phải bất động trong thời gian đủ lâu, chính sự bất động này sẽ gây ra rối loạn dinh dưỡng. Do vậy, người bó bột phải hiểu và giải thích cho người bệnh cùng hợp tác để đề phòng những biến chứng có thể xảy ra.

II. BIẾN CHỨNG SỚM:

Là biến chứng quan trọng nhất có thể dẫn đến hậu quả làm mất chi của người bệnh do hoại tử.

  1. Chèn ép cấp (chèn ép garô):
  • Gây nên sự thiếu máu nuôi dưỡng phần chi bên dưới nơi đè ép có thể đưa đến hoại tử chi.
  • Đây là một trong những nguyên nhân gây chèn ép khoang (CEK), hội chứng Volkmann.
    1. Nguyên nhân:
  • Do băng bột quá chặt.
  • Chi đang bị sưng nề sau chấn thương cộng thêm băng bột chặt.
    1. Triệu chứng lâm sàng:

Triệu chứng của CEK:

  • Đau nhức dữ dội như buốt bỏng.
  • Đầu chi bị sưng tím.
  • Cảm giác tê bì.
  • Sờ da cảm thấy lạnh.
  • Liệt vận động các ngón.

Đây là sự chèn ép cấp, nếu quá 6 giờ thì có các hiện tượng hoại tử cơ và thần kinh không hồi phục.

  1. Xử trí:

Banh rộng hoặc tháo bỏ bột, thay bằng nẹp bột hoặc phương pháp khác.

  1. Dự phòng:
  • Rạch dọc hết các lớp bột
  • Kê chi cao sau khi băng
  • Nếu băng cánh bàn tay thì treo tay cao vào ngực.
  • Nếu băng đùi bàn chân, gát chi băng bột cao hơn tâm nhĩ (10 – 15cm) trong 24-48 giờ đầu.
  • Tập vận động chủ động sớm sau khi băng bột.
  1. Chèn ép cục bộ (chèn ép tại chỗ, chèn ép từ từ):
  • Thường xảy ra ở vùng tựa, vùng khuôn.
  • Gây hoại tử da, đôi khi còn đè ép lên thần kinh, mạch máu.
    1. Nguyên nhân:
  • Những điểm lồi của xương không được độn lót gòn đủ dày nhất là vùng gót, 2 mắt cá, vùng mấu trâm xương trụ.
  • Băng bột không đều tay, có nếp gấp.
  • Người giữ bột không đúng cách bấm các ngón tay vào khi bột còn ướt.
  • Nắn, ép xương sau khi băng bột, …
    1. Triệu chứng:
  • Đau buốt như bỏng ở nơi bị chèn ép.
    1. Xử trí:
  • Mở cửa sổ nơi bị chèn ép.
  • Việc mở cửa sổ sai (4 bên) đôi khi cũng gây nên sự đè ép do do phần mềm chui qua của sổ (giống như thoát vị) và bờ các cửa sổ đè ép da gây hoại tử da.
    1. Dự phòng:
  • Làm bột đúng kỹ thuật, độn lót kỹ nơi có xương lồi sẽ tránh được biến chứng.
  • Để dự phòng cần mở cửa sổ đúng quy cách mở 3 bên và đóng cửa lại sau khi giải quyết xong bên trong như bỏ thêm bông gòn vào và dùng cuộn băng vải tăng cường bên ngoài.

Lưu ý:

Mở cửa sổ bột còn sử dụng cho trường hợp cắt chỉ vết thương, rút ống dẫn lưu.

  1. Hội chứng Cast syndrome (Hội chứng kiểu bột hay là hội chứng tắc ruột cao do bột):

Đây là hội chứng tắc ruột cao, rất hiếm gặp chỉ xảy ra trong 1 số trường hợp băng bột (bột ngực cánh tay, áo bột, bột chậu đùi bàn chân, bột thân …)

  1. Nguyên nhân:
  • Do chèn ép đoạn D2 tá tràng.
    1. Triệu chứng lâm sàng:
  • Bệnh nhân sau băng vài giờ bị bí trung đại tiện, nôn ói, bụng chướng, …
    1. Xử trí:
  • Tháo bỏ bột, xử trí như các trường hợp tắc ruột khác. Hút dịch dạ dày. Bồi hoàn nước điện giải.
    1. Dự phòng:
  • Khi băng nên dùng một gối có độn gòn bên trong độn lót vùng D2 tá tràng sau đó nên mở cửa sổ to ở bụng và lấy cái gối đệm ra.
  1. Biến chứng dị ứng: Do tiếp xúc với bột và bông gòn đệm:

Bỏng da, ngứa, viêm da, …

III. BIẾN CHỨNG MUỘN:

  1. Biến chứng do vật lạ rơi vào bên trong:
    1. Nguyên nhân:
  • Do bột rơi vào trong gây tì đè.
  • Do côn trùng: kiến, gián, rận, rệp chui vào trong.
  • Do bệnh nhân dùng các que gỗ thọt vào để gãi, hậu quả trầy da, viêm da, …
  • Do nước tiểu làm ướt bột gây ngứa.
    1. Triệu chứng lâm sàng:
  • Ngứa, khó chịu
    1. Xử trí:
  • Bỏ bột, làm vệ sinh thay lại bột khác.
    1. Dự phòng:
  • Làm đúng kỹ thuật bột, bệnh nhân phải tự vệ sinh sạch sẽ từ giường nằm, nơi ở thoáng mát, …
  1. Biến chứng do lỏng bột:
  1. Nguyên nhân:
  • Do độn bông gòn quá dày hoặc do chi hết sưng sau một thời gian điều trị (thường là 7 ngày sau).
  • Hậu quả có thể làm di lệch xương bên trong gây di lệch thứ phát dẫn đến can xương lành xấu.
  1. Xử trí:
  • Tái khám sớm lần đầu sau 7 ngày hoặc 10 ngày, Xquang kiểm tra lại nếu xương lệch thì bỏ bột, nắn lại làm bột mới khác.
  1. Dự phòng:
  • Băng bột đúng kỹ thuật, khám đúng ngày hẹn, thay bột nếu thấy lỏng bột.
  1. Biến chứng do rối loạn dinh dưỡng:
  1. Nguyên nhân:
  • Do bất động lâu ngày thiếu luyện tập.
  1. Triệu chứng lâm sàng:
  • Teo cơ, cứng khớp, loãng xương, tăng Calci máu, bệnh nhân thường thấy đau khi vận động sau khi tháo bỏ bột, chức năng chi bị giảm.
  1. Dự phòng:
  • Khuyến khích, hướng dẫn bệnh nhân tập vận động chủ động (tự bệnh nhân tập lấy) thường xuyên, tập luôn cả các khớp không được băng bột, gồng cơ trong bột, nhúc nhích các ngón tay chân, đưa chân, tay lên cao nhiều lần trong ngày.
    • Kết luận: Các biến chứng của bột thường là do sai sót của người bó bột và thầy thuốc điều trị. Nên các biến chứng này đều có thể tránh được, nếu bột được thực hiện đúng kỹ thuật và theo dõi cẩn thận trong vòng 24 giờ đầu và được sự hợp tác tốt giữa người bệnh và thầy thuốc

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chấn thương Chỉnh hình, nhà xuất bản y học 2010.
  2. Nguyên tắc Chấn thương Chỉnh hình – Nguyễn Văn Quang – Hội Y Dược học Tp. Hồ Chí Minh 1997.
  3. Vài điều cần biết về bột bó và bó bột – Trần Văn Bé Bảy – Bài giảng bệnh học CTCH – PHCN – ĐHYD TP.HCM năm 2005.
  4. Đại cương Chấn thương cơ quan vận động – Bài giảng CTCH – PHCN – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2011.
  5. Kỹ thuật bó bột – Nguyễn Phương Á – Nhà xuất bản y dược học 2010.

Bs CKII Lê Thành Phương
TAG:
Ý kiến của bạn